Thuê người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hình thức ký hợp đồng trực tiếp

Quy định pháp luật về thuệ người lao động việt nam làm việc ở nước ngoài theo hình thức ký hợp đồng trực tiếp

Ngày đăng: 16-03-2022

3,072 lượt xem

Thuê người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hình thức ký hợp đồng trực tiếp

Thuê người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hình thức ký hợp đồng trực tiếp

Người lao động việt nam làm việc ở nước ngoài theo hình thức ký hợp đồng trực tiếp là một trong 3 hình thức người lao động việt nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó đây là hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

I. Quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có các quyền sau đây:

a) Được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách, pháp luật và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động có liên quan đến người lao động; quyền, nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
b) Được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề;
c) Hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động và quyền lợi, chế độ khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
d) Được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế;
đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
e) Hưởng chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật;
g) Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần;
h) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
i) Được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện.

2. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuẩn thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
b) Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động; đoàn kết với người lao động tại nước tiếp nhận lao động;
c) Hoàn thành khóa học giáo dục định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
d) Nộp tiền dịch vụ, thực hiện ký quỹ theo quy định của Luật này;
đ) Làm việc đúng nơi quy định; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân thủ sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động;
e) Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
g) Về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú nơi trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc nơi ở mới sau khi về nước theo quy định của Luật Cư trú trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh;
h) Nộp thuế, tham gia bảo hiểm xã hội, hình thức bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
i) Đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

II. Điều kiện của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2. Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài.
3. Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
4. Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
5. Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
6. Có hợp đồng lao động theo quy định tại Điều khoản dưới đây.
7. Có văn bản xác nhận việc đăng ký hợp đồng lao động của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người lao động thường trú.

III. Quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết

1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết có các quyền sau đây:
a) Được cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
b) Được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động;
c) Hưởng quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, quyền lợi khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
d) Được chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.
2. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết có các nghĩa vụ sau đây:
a) Đăng ký hợp đồng lao động;
b) Thực hiện các nội dung trong hợp đồng lao động và nội quy nơi làm việc;
c) Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hình thức bảo hiểm theo quy định pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc;
d) Nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc;
đ) Đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này;
e) Đăng ký công dân tại cơ quan đại diện Việt Nam tại nước mà người lao động đến làm việc.

IV. Hợp đồng lao động trực tiếp giao kết

1. Hợp đồng lao động trực tiếp giao kết là văn bản thỏa thuận giữa người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lào động, quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
2. Nội dung chính của hợp đồng lao động trực tiếp giao kết phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc, bao gồm:
a) Ngành, nghề, công việc phải làm;
b) Thời hạn của hợp đồng;
c) Địa điểm làm việc;
d) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ;
đ) Tiền lương, tiền công;
e) Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại;
g) Chế độ khám bệnh, chữa bệnh;
h) Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ khác (nếu có);
i) Trách nhiệm của người sử dụng lao động ở nước ngoài trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động, rủi ro liên quan đến người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
k) Cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp.

V. Đăng ký hợp đồng lao động

1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng lao động bao gồm:
a) Văn bản đăng ký theo mẫu dọ Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;
b) Bản sao hợp đồng lao động kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực;
c) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu của người lao động;
d) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người lao động thường trú hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người lao động.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận bằng văn bản việc đăng ký hợp đồng lao động, cho người lao động; trường hợp không xác nhận phải nêu rõ lý do.

VI. Giao kết hợp đồng lao động sau khi xuất cảnh

1. Công dân Việt Nam giao kết hợp đồng lao động hợp pháp sau khi xuất cảnh được hưởng quyền quy định tại các điểm a, b, d, e, h và i khoản 1 Điều 6 của Luật này nếu đăng ký trực tuyến hợp đồng lao động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b và i khoản 2 Điều 6 của Luật này.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Nguồn: Luật số: 69/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 về việc người lao động việt nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày ngày 01 tháng 01 năm 2022.

CÔNG TY LUẬT TNHH LAWYER VIỆT NAM

Bình luận (1)

Gửi bình luận của bạn

Captcha reload
  • Khaled (11-05-2022) Trả lời
    Hi, are you a Vietnamese office specialized in recruiting workers abroad?