Hợp đồng ủy quyền

Quy định pháp luật về hợp đồng ủy quyền

Ngày đăng: 11-03-2014

7,547 lượt xem

Quy định pháp luật về hợp đồng ủy quyền theo Bộ luật dân sự 2005

Quy định pháp luật về hợp đồng ủy quyền theo Bộ luật dân sự 2005

Quy định pháp luật về hợp đồng ủy quyền theo Bộ luật dân sự 2005 gồm 9 điều từ 581 đến 589.

1. Khái niệm hợp đồng uỷ quyền 

 Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

2. Thời hạn uỷ quyền 

 Thời hạn uỷ quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền.

3. Uỷ quyền lại  

 Bên được uỷ quyền chỉ được uỷ quyền lại cho người thứ ba, nếu được bên uỷ quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Hình thức hợp đồng uỷ quyền lại cũng phải phù hợp với hình thức hợp đồng uỷ quyền ban đầu.
Việc uỷ quyền lại không được vượt quá phạm vi uỷ quyền ban đầu.

4. Nghĩa vụ của bên được uỷ quyền

 Bên được uỷ quyền có các nghĩa vụ sau đây:

 a. Thực hiện công việc theo uỷ quyền và báo cho bên uỷ quyền về việc thực hiện công việc đó;
 b. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện uỷ quyền về thời hạn, phạm vi uỷ quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi uỷ quyền;
 c. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc uỷ quyền;
 d. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc uỷ quyền;
 e. Giao lại cho bên uỷ quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc uỷ quyền theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;
 f. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản a, b, c, d và e Điều này.

5. Quyền của bên được uỷ quyền

 Bên được uỷ quyền có các quyền sau đây:

 a. Yêu cầu bên uỷ quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc uỷ quyền;
 b. Hưởng thù lao, được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc uỷ quyền.

6. Nghĩa vụ của bên uỷ quyền

 Bên uỷ quyền có các nghĩa vụ sau đây:

 a. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được uỷ quyền thực hiện công việc;
 b. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được uỷ quyền thực hiện trong phạm vi uỷ quyền;
 c. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được uỷ quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được uỷ quyền và trả thù lao cho bên được uỷ quyền, nếu có thoả thuận về việc trả thù lao.

7. Quyền của bên uỷ quyền

 Bên uỷ quyền có các quyền sau đây:
 a. Yêu cầu bên được uỷ quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc uỷ quyền;
 b. Yêu cầu bên được uỷ quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc uỷ quyền, nếu không có thoả thuận khác;
 c. Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được uỷ quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điểm 4 của Bài viết này.

8. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng uỷ quyền

 a. Trong trường hợp uỷ quyền có thù lao, bên uỷ quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được uỷ quyền tương ứng với công việc mà bên được uỷ quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu uỷ quyền không có thù lao thì bên uỷ quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được uỷ quyền một thời gian hợp lý.
 b. Bên uỷ quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên uỷ quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng uỷ quyền đã bị chấm dứt.
 c. Trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao, bên được uỷ quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên uỷ quyền biết một thời gian hợp lý; nếu uỷ quyền có thù lao thì bên được uỷ quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên uỷ quyền.

9. Chấm dứt hợp đồng uỷ quyền

 Hợp đồng uỷ quyền chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
 a. Hợp đồng uỷ quyền hết hạn;
 b. Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;
 c. Bên uỷ quyền, bên được uỷ quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điểm 8 của Bài viết này;
 d. Bên uỷ quyền hoặc bên được uỷ quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

Lawyervn.net

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha reload