So sánh giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền
Ngày đăng: 23-03-2014
25,209 lượt xem
Giấy ủy quyền là văn bản trong đó cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân uỷ quyền cho người khác đại diện mình để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền
A. Giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền đề có một số điểm chung:
1. Hình thức ủy quyền: Cả hai được lập bằng văn bản.
2. Nội dung ủy quyền: Bên được ủy quyền đại diện Bên ủy quyền để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự
3. Chấm dứt ủy quyền: Các bên có thể đơn phương chấm dứt ủy quyền hoặc theo quy định pháp luật.
B. Giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền có một số điểm khác biệt:
1. Chủ thể ủy quyền:
a. Giấy ủy quyền được lập và ký bởi người ủy quyền (hay gọi là ủy quyền đơn phương)
b. Hợp đồng ủy quyền được lập và ký bởi người ủy quyền và người được ủy quyền
2. Công chứng, chứng thực ủy quyền (nếu có):
a. Giấy ủy quyền được chứng thực tại các Cơ quan thẩm quyền (UBND cấp xã, huyện, Cơ quan đại diện ngoại giao)
b. Hợp đồng ủy quyền được công chứng tại Cơ quan thẩm quyền (Phòng công chứng, Văn phòng Công chứng, Cơ quan đại diện ngoại giao)
3. Quyền và nghĩa vụ các bên ủy quyền:
a. Giấy ủy quyền không quy định quyền và nghĩa vụ các bên
b. Hợp đồng ủy quyền có quy định quyền và nghĩa vụ các bên
4. Thay đổi nội dung ủy quyền:
a. Giấy ủy quyền đã được chứng thực có thể điều chỉnh thay đổi nội dung ủy quyền tại bất kỳ Cơ quan thẩm quyền (UBND cấp xã, huyện, Cơ quan đại diện ngoại giao)
b. Hợp đồng ủy quyền đã được công chứng chỉ điều chỉnh nội dung ủy quyền tại duy nhất Cơ quan thẩm quyền đã công chứng trước đây.
5. Ủy quyền lại:
a. Giấy ủy quyền: Người được ủy quyền không được ủy quyền lại, trừ trường hợp pháp luật có quy định.
b. Hợp đồng ủy quyền: Bên được uỷ quyền chỉ được uỷ quyền lại cho người thứ ba, nếu được bên uỷ quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
6. Thời hạn ủy quyền:
a. Giấy ủy quyền: Thời hạn ủy quyền do Người ủy quyền quy định hoặc do pháp luật quy định.
b. Hợp đồng ủy quyền: Thời hạn uỷ quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền.
Trong giao dịch dân dự có thể sử dụng giấy ủy quyền và/hoặc hợp đồng ủy quyền phù hợp từng trường hợp cụ thể.
Lawyervn.net
Bài viết liên quan:
Gửi bình luận của bạn