Nội dung nhãn sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông, tiêu thụ trên thị trường Việt Nam
Ngày đăng: 20-06-2023
1,087 lượt xem
Nhãn sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông, tiêu thụ trên thị trường Việt Nam
I. Ngôn ngữ ghi nhãn sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông, tiêu thụ trên thị trường Việt Nam.
1. Sản phẩm được sản xuất trong nước và lưu thông trên thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt và ghi đầy đủ những nội dung bắt buộc quy định tại Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, tùy theo yêu cầu của từng loại sản phẩm có thể ghi thêm ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt và kích thước chữ không được lớn hơn nội dung ghi bằng tiếng Việt.
2. Sản phẩm nhập khẩu để lưu thông, tiêu thụ trên thị trường Việt Nam, phải được ghi nhãn theo một trong hai cách sau đây:
a) Ghi nhãn phụ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt đính kèm theo nhãn hàng hóa. Nhãn phụ phải được gắn trên sản phẩm hoặc bao bì thương phẩm của sản phẩm và không được che khuất nội dung của nhãn sản phẩm. Nội dung ghi trên nhãn phụ không được làm hiểu sai lệch nội dung của nhãn sản phẩm;
b) Ghi nhãn bằng tiếng Việt với đầy đủ những nội dung bắt buộc phải ghi nhãn.
II. Nội dung của nhãn sản phẩm chức năng lưu thông, tiêu thụ trên thị trường Việt Nam
1. Nội dung bắt buộc phải ghi nhãn: tên sản phẩm; thành phần cấu tạo; định lượng sản phẩm; ngày sản xuất; thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản; hướng dẫn sử dụng; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm; xuất xứ; số Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; các khuyến cáo, cảnh báo an toàn thực phẩm.
2. Nội dung khác của nhãn sản phẩm bao gồm từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, ký hiệu, số hiệu thể hiện những thông tin khác.
3. Công bố khuyến cáo về nguy cơ, nếu có.
4. Tên sản phẩm và các nội dung trên nhãn phải phù hợp nội dung đã công bố và các tài liệu kèm theo trong hồ sơ công bố sản phẩm.
5. Yêu cầu về ghi nhãn tiếng Việt đối với thực phẩm bổ sung
Ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu tại khoản 1, 2 nêu trên nhãn thực phẩm bổ sung phải đáp ứng các quy định sau đây:
a) Phải ghi cụm từ thể hiện tên nhóm thực phẩm: “Thực phẩm bổ sung” hoặc tên nhóm trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trên phần chính của nhãn.
b) Phải chỉ rõ đối tượng cụ thể, phù hợp với mức đáp ứng của liều khuyên dùng đã công bố hoặc phù hợp với bằng chứng khoa học đã được chứng minh về liều dùng khuyến cáo với những thành phần chưa có quy định mức đáp ứng.
6. Yêu cầu về ghi nhãn tiếng Việt đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe:
Ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu tại khoản 1, 2 nêu trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đáp ứng các quy định sau đây:
a) Ghi cụm từ thể hiện tên nhóm thực phẩm: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” trên phần chính của nhãn để phân biệt với thực phẩm thông thường và thuốc.
b) Khi lấy thành phần chính tạo nên công dụng của sản phẩm làm tên sản phẩm thì phải ghi rõ ở bên cạnh hoặc dưới tên sản phẩm trên phần nhãn chính và trong thành phần cấu tạo ở nhãn sản phẩm nội dung sau: a) Hàm lượng hoạt chất trong thành phần đó nếu định lượng được; hoặc b) Hàm lượng thành phần đó nếu không định lượng được hoạt chất trong thành phần.
c) Không ghi cơ chế tác dụng trên nhãn sản phẩm.
d) Phải ghi cụm từ “Chú ý: Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” ngay sau phần ghi nhãn về công dụng của sản phẩm hoặc cùng chỗ với các khuyến cáo khác nếu có. Cụm từ này phải có màu tương phản với màu nền của nhãn và chiều cao chữ không được thấp hơn 1,2 mm, đối với trường hợp một mặt của bao gói dùng để ghi nhãn nhỏ hơn 80 cm2 thì chiều cao chữ không được thấp hơn 0,9 mm.
7. Yêu cầu về ghi nhãn tiếng Việt đối với thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt:
Ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu tại khoản 1,2 nêu trên nhãn thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Thực phẩm dinh dưỡng y học phải ghi cụm từ thể hiện tên nhóm thực phẩm: “Thực phẩm dinh dưỡng y học” trên mặt chính của nhãn để phân biệt với thực phẩm thông thường và ghi dòng chữ: “Sử dụng cho người bệnh với sự giám sát của nhân viên y tế”.
b) Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải ghi cụm từ: “Sản phẩm dinh dưỡng (cho đối tượng cụ thể)” trên mặt chính của nhãn để phân biệt với thực phẩm thông thường.
c) Phải có hướng dẫn chi tiết quy trình vệ sinh dụng cụ và cách thức pha để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và đủ dinh dưỡng, phù hợp với tình trạng sức khỏe của đối tượng sử dụng.
d) Yêu cầu về hướng dẫn cách sử dụng: a) Phải rõ ràng, chi tiết trong hồ sơ công bố sản phẩm; b) Phải cảnh báo đối tượng không được phép sử dụng, nếu có.
Nguồn:
- Thông tư Liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 27 tháng 10 năm 2014 hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn.
- Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế quy định về thực phẩm chức năng.
Công ty Luật TNHH Lawyer Việt Nam
Gửi bình luận của bạn