Giới thiệu về quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam

Giới thiệu về tổ chức hoạt động quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam

Ngày đăng: 20-08-2022

3,688 lượt xem

Giới thiệu về quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam

Giới thiệu về quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam


Quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam được giới thiệu và điều chỉnh theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính Phủ Việt Nam (Nghị định 93/2029/NĐ-CP)

1. Khái niệm quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam

a. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam là tổ chức phi chính phủ có tư cách pháp nhân do cá nhân, tổ chức tự nguyện góp một phần tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua di chúc, hiến, tặng tài sản thành lập quỹ, có mục đích tổ chức, hoạt động theo quy định tại Điều 3 Nghị định này, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ.

b. Mục đích tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện:  Quỹ xã hội, quỹ từ thiện được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

c. Quỹ xã hội: Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và phát triển nông nghiệp, nông thôn, không vì mục tiêu lợi nhuận.

d. Quỹ từ thiện: Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.

2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam

a. Thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
b. Tự nguyện, tự chủ, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình.
c. Tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
d. Công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động và thu, chi tài chính, tài sản của quỹ.
e. Không phân chia tài sản.

3. Quyền hạn và nghĩa vụ của quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam

a. Quyền hạn của quỹ xã hội, quỹ từ thiện:
i. Tổ chức, hoạt động theo pháp luật và điều lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;
ii. Vận động quyên góp, tài trợ cho quỹ; tiếp nhận tài sản do các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước tài trợ, hiến, tặng hoặc bằng các hình thức khác theo đúng mục đích của quỹ và quy định của pháp luật. Tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo tồn và tăng trưởng tài sản quỹ;
iii. Được thành lập pháp nhân trực thuộc theo quy định của pháp luật;
iv. Được quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật;
v. Quỹ được phối hợp với cá nhân, tổ chức để vận động quyên góp, vận động tài trợ cho quỹ hoặc để triển khai các đề án, dự án cụ thể của quỹ theo quy định của pháp luật;
vi. Phối hợp với các địa phương, tổ chức, cá nhân cần sự trợ giúp để xây dựng và thực hiện các đề án tài trợ theo mục đích hoạt động của quỹ.

b. Nghĩa vụ của quỹ:
i. Quỹ hoạt động trong lĩnh vực nào thì phải chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước về ngành, lĩnh vực đó và chỉ được tiếp nhận tài trợ, vận động tài trợ trong phạm vi hoạt động theo điều lệ của quỹ;
ii. Thực hiện tài trợ đúng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức đã ủy quyền phù hợp với mục đích của quỹ;
iii. Quỹ được thành lập từ các nguồn tài sản hiến, tặng hoặc theo hợp đồng ủy quyền, di chúc mà không tổ chức quyên góp và nhận tài trợ thì hàng năm phải dành tối thiểu 5% tổng số tài sản để tài trợ cho các chương trình, dự án phù hợp với mục đích hoạt động của quỹ;
iv. Lưu trữ và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, các chứng từ, tài liệu về tài sản, tài chính của quỹ, nghị quyết, biên bản về các hoạt động của quỹ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
v. Sử dụng tài sản, tài chính tiết kiệm và hiệu quả theo đúng mục đích của quỹ; nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định của pháp luật; phải đăng ký mã số thuế và kê khai thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
vi. Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân tài trợ và cộng đồng theo quy định của pháp luật. Có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ quỹ và báo cáo kết quả giải quyết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
vii. Hàng năm, quỹ có trách nhiệm công khai các khoản đóng góp trên phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 31 tháng 3;
viii. Khi thay đổi trụ sở chính hoặc Giám đốc quỹ, quỹ phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ;
ix. Hàng năm, quỹ phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động và tài chính với cơ quan cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực hoạt động của quỹ và báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi quỹ đặt trụ sở trước ngày 31 tháng 12;
x. Công bố về việc thành lập quỹ theo quy định tại Điều 22 Nghị định 93/2029/NĐ-CP;
xi. Thực hiện các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến tổ chức, hoạt động của quỹ và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và điều lệ quỹ.

4. Điều kiện cấp giấy phép thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam:

a. Có mục đích hoạt động theo quy định tại Mục 1.b  nêu trên.
b. Có sáng lập viên thành lập quỹ bảo đảm quy định tại Mục 5 dưới đây.
c. Ban sáng lập quỹ có đủ số tài sản đóng góp để thành lập quỹ theo quy định tại Khoản 8 dưới đây.
d. Hồ sơ thành lập quỹ đảm bảo theo quy định tại Điều 15 Nghị định 93/2029/NĐ-CP.

5. Sáng lập viên thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam

a. Các sáng lập viên phải bảo đảm điều kiện sau:
i. Sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân, tổ chức Việt Nam;
ii. Đối với công dân: Có đủ năng lực hành vi dân sự và không có án tích;
iii. Đối với tổ chức: Được thành lập hợp pháp, có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; có nghị quyết của tập thể lãnh đạo hoặc quyết định của người đứng đầu có thẩm quyền về việc tham gia thành lập quỹ; quyết định cử người đại diện của tổ chức tham gia tư cách sáng lập viên thành lập quỹ; trường hợp tổ chức Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì người đại diện tổ chức làm sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân Việt Nam;
iv. Đóng góp tài sản hợp pháp thành lập quỹ theo quy định tại Điều 8 dưới đây;
v. Sáng lập viên thành lập quỹ nếu thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ trước khi gửi hồ sơ về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2029/NĐ-CP  cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ.

b. Các sáng lập viên thành lập Ban sáng lập quỹ. Ban sáng lập quỹ phải có ít nhất 03 sáng lập viên, gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và ủy viên.

c. Ban sáng lập quỹ lập hồ sơ xin phép thành lập quỹ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 93/2029/NĐ-CP và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2029/NĐ-CP. Ban sáng lập quỹ có trách nhiệm đề cử Hội đồng quản lý quỹ, xây dựng dự thảo điều lệ và các tài liệu trong hồ sơ thành lập quỹ.

6. Cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam

a. Cá nhân, tổ chức nước ngoài được góp tài sản cùng công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ ở Việt Nam.
b. Điều kiện đối với công dân, tổ chức nước ngoài:
i. Phải có cam kết nộp thuế và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản đóng góp;
ii. Cam kết thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam và mục đích hoạt động của quỹ;
iii. Có tài sản đóng góp thành lập quỹ theo quy định tại Mục 8 dưới đây.
c. Tài sản đóng góp thành lập quỹ của cá nhân, tổ chức nước ngoài không được vượt quá 50% số tài sản đóng góp thành lập quỹ theo quy định của Nghị định 93/2029/NĐ-CP.

7. Thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo di chúc hoặc hiến, tặng tài sản

a. Công dân, tổ chức Việt Nam được thừa kế theo di chúc hoặc được người hiến, tặng tài sản thành lập quỹ thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 93/2029/ND-CP và lập hồ sơ thành lập quỹ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 93/2029/ND-CP gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2029/ND-CP. Trường hợp tài sản thành lập quỹ được thừa kế theo di chúc hoặc hiến, tặng đã đủ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 93/2029/ND-CP thì không phải bổ sung thêm sáng lập viên. Trường hợp tài sản thành lập quỹ được thừa kế theo di chúc hoặc hiến, tặng chưa đủ theo quy định thì phải bổ sung thêm sáng lập viên và tài sản đóng góp cho đủ theo quy định.
b. Quỹ được thành lập theo di chúc hoặc hiến, tặng phải có bản sao di chúc, văn bản hiến, tặng có chứng thực theo quy định của pháp luật.
c. Quỹ được thành lập theo hợp đồng ủy quyền của tổ chức, cá nhân phải có hợp đồng ủy quyền có công chứng theo quy định của pháp luật.

8. Tài sản đóng góp thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam

a. Tài sản đóng góp thành lập quỹ gồm:
i. Tiền đồng Việt Nam;
ii. Tài sản được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam (bao gồm: Hiện vật, ngoại tệ, giấy tờ có giá, các quyền tài sản khác) của công dân, tổ chức Việt Nam là sáng lập viên, của cá nhân, tổ chức nước ngoài góp với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ. Đối với tài sản là trụ sở, trang thiết bị, công nghệ phải do tổ chức thẩm định giá được thành lập hợp pháp định giá, thời điểm định giá tài sản không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ thành lập quỹ;
iii. Trường hợp tài sản đóng góp thành lập quỹ bao gồm cả tài sản khác không bao gồm tiền đồng Việt Nam thì số tiền đồng Việt Nam phải đảm bảo tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản.

b. Đối với quỹ xã hội, quỹ từ thiện do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:
i. Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 6.500.000.000 (sáu tỷ năm trăm triệu đồng);
ii. Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 1.300.000.000 (một tỷ ba trăm triệu đồng);
iii. Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 130.000.000 (một trăm ba mươi triệu đồng);
iv. Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 25.000.000 (hai mươi lăm triệu đồng).

c. Đối với trường hợp có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam thành lập quỹ phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:
i. Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 8.700.000.000 (tám tỷ bảy trăm triệu đồng);
ii. Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 3.700.000.000 (ba tỷ bảy trăm triệu đồng);
iii. Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 1.200.000.000 (một tỷ hai trăm triệu đồng);
iv. Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 620.000.000 (sáu trăm hai mươi triệu đồng).

d. Tài sản đóng góp thành lập quỹ phải được chuyển quyền sở hữu cho quỹ trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày quỹ được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Tài sản đóng góp để thành lập quỹ không bị tranh chấp hoặc thực hiện nghĩa vụ tài chính khác.

CÔNG TY LUẬT TNHH LAWYER VIỆT NAM
 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha reload