Xác minh địa chỉ để khởi kiện khi không biết địa chỉ của bị đơn, người bị kiện.
Ngày đăng: 07-09-2015
12,100 lượt xem
Khởi kiện khi không biết địa chỉ của bị đơn, người bị kiện
Khi khởi kiện vụ án dân sự, nghĩa vụ của người khởi kiện phải cung cấp địa chỉ của bị đơn, người bị kiện. Việc cung cấp địa chỉ của bị đơn/ người bị kiện là vấn đề không đơn giản, làm thế nào xác minh địa chỉ để khởi kiện khi không biết địa chỉ của bị đơn, người bị kiện.
Hiện nay, trong các vụ án tranh chấp hợp đồng vay, mượn tài sản, thừa kế, ly hôn,.. trường hợp tại thời điểm người khởi kiện nộp đơn khởi kiện, các bị đơn vắng mặt ở địa phương trước đó xảy ra tương đối nhiều. Một số Tòa án đã thụ lý giải quyết đối với trường hợp này, nhưng có một số Toà án không đồng ý thụ lý vụ án, trả lại đơn khởi kiện theo quy định Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự vì cho rằng người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ của người bị kiện trong vụ án.
Từ thực tiễn nêu trên cho thấy việc áp dụng pháp luật ở các Toà án đối với trường hợp nêu trên chưa thống nhất, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật và gây ra nhiều bức xúc cho đương sự.
Trong một số trường hợp, khi đã thụ lý đơn khởi kiện có kèm giấy xác nhận chứng minh nơi cư trú của bị đơn của chính quyền địa phương, thực tiễn xử lý của tòa án có hai trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất: Trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán tiến hành xác minh lại thì được biết bị đơn trong vụ án vắng mặt khỏi địa phương trước thời điểm Toà án thụ lý, nên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (căn cứ vào điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS) và trả lại đơn khởi kiện cho đương sự (căn cứ vào khoản 2 Điều 169 BLTTDS) với lý do người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ mới của bị đơn; hướng dẫn người khởi kiện thực hiện nộp đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú theo qui định tại chương XXII của BLTTDS.
Trường hợp thứ hai: Trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán tiến hành xác minh lại thì được biết bị đơn trong vụ án vắng mặt khỏi địa phương sau thời điểm Toà án thụ lý, nên Toà án cấp sơ thẩm thực hiện các thủ tục để xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại Điều 199 BLTTDS căn cứ theo Khoản 6, Điều 9 Nghị Quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 “ Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS, hướng dẫn tại Điều 5 của Nghị quyết này và Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Toà án, nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ. Toà án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung ».
Do đó, khởi kiện khi không biết địa chỉ của bị đơn, người bị kiện/bị đơn, người khởi kiện/nguyên đơn phải làm thủ tục xác nhận địa chỉ cư trú tại UBND Phường, Xã nơi Bị đơn cư trú trước khi bỏ đi. Trong trường hợp có xác nhận đã đi khỏi nơi cư trú và không rõ đi đâu thì Tòa án vẫn thụ lý giải quyết nhưng phải tiến hành thêm thủ tục tuyên bố bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú (có làm thủ tục đăng báo theo quy định).
Lawyervn.net
Gửi bình luận của bạn